Dịch vụ chuyển phát sẽ dần bị thay thế bằng loại hình mới này

17/03/2016 05:38:05

Tên gọi của dịch vụ này là: Hoàn tất đơn hàng.
“Quy mô trung bình của doanh nghiệp chuyển phát đang nhỏ đi rất nhanh. Bên cạnh số lượng tăng nhanh thì quy mô không tăng, doanh nghiệp chuyển phát sẽ dần chuyển sang dịch vụ hoàn tất đơn hàng. Trong 5 năm tới, kỳ vọng dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó chủ tịch, Tổng thư ký hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam Vecom nhấn mạnh.
Dịch vụ chuyển phát là trở ngại lớn đối với thương mại điện tử
Cùng với việc thanh toán online, giá bán, lòng tin, chuyển phát là một trong những vấn đề nan giải nhất của TMĐT Việt Nam đang phải đối mặt. Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, năm 2014 chất lượng còn thấp của dịch vụ chuyển phát là trở ngại lớn thứ 2 đối với TMĐT.
Trong khi đó, báo cáo của Ban tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến 2014 cũng cho thấy có tới 50% số người tham gia chương trình này đánh giá dịch vụ chuyển phát chưa tốt và 9% số người tham gia đánh giá kém.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Vecom khẳng định rằng trong những năm gần đây, dịch vụ chuyển phát ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa theo kịp bước phát triển của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến.
Ông Hưng đưa ra các số liệu dẫn chứng, trong số 21 doanh nghiệp TMĐT được khảo sát về dịch vụ chuyển phát cho thấy hiện có 68% doanh nghiệp tự cung cấp, 68% doanh nghiệp thuê chuyển phát từ công ty bên ngoài. Tỷ lệ chi phí chuyển phát trên một giá trị đơn hàng là 7,5%.
Các hãng được thuê chuyển phát nhiều có thể kể tới Vnpost, Viettel post, HCN, Giao hàng nhanh,... Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng dịch vụ chuyển phát chỉ có 15% doanh nghiệp cho là tốt, chất lượng khá chiếm 45% và trung bình chiếm 40%.
Lý giải vì sao dịch vụ chuyển phát kém, nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng là do hệ thống quản lý hàng hóa chuyển phát còn thủ công, hạ tầng kho bãi và phương tiện vận chuyển chưa hiện đại, đội ngũ lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù 90% doanh nghiệp có kho bãi riêng nhưng tình trạng kho còn “nhếch nhác”, chất lượng dịch vụ chủ yếu chỉ đạt mức trung bình.
“Điều này khiến người dân chưa thực sự quan tâm đến việc mua hàng trực tuyến. Chỉ khi nào chất lượng chuyển phát tốt đạt được 90% thì người dân mới tin và sẵn sàng sử dụng kênh mua bán này”, ông Hưng nói.
Dịch vụ hoàn tất đơn hàng: Bài giải cho TMĐT
Xu hướng bán lẻ trực tuyến ngày càng hướng tới sự chuyên môn hóa cao, người bán hàng tập trung nguồn lực vào các hoạt động dẫn người mua tới giao kết hợp đồng trực tuyến. Điều này dẫn đến các dịch vụ liên quan như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng và trả lại có thể thuê ngoài. Các dịch vụ này gọi chung là dịch vụ hoàn tất đơn hàng.
Giải thích về mô hình chuẩn của một doanh nghiệp hoàn tất đơn hàng, ông Nguyễn Thanh Hưng cho hay, doanh nghiệp hoàn tất đơn hàng kết nối trực tuyến với người bán để cung cấp dịch vụ nhận hàng, lưu kho, đóng gói, chuyển hàng và các dịch vụ liên quan khác để hoàn thành hợp đồng trực tuyến với khách hàng cuối cùng.
Hiện tại, ở Việt Nam đã có hai doanh nghiệp Proship và Boxme đang hoạt động dịch vụ hoàn tất đơn hàng theo mô hình chuẩn trên.
Đánh giá về lợi thế của việc thuê dịch vụ hoàn tất đơn hàng, ông Hán Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Boxme cho biết, người bán chỉ cần tập trung nguồn lực vào việc bán hàng, chuyên môn hóa,... để tăng doanh thu. Người bán hàng không phải đầu tư trước, tiết kiệm 20% chi phí vận chuyển, 30-50% chi phí duy trì kho riêng, và giúp doanh nghiệp tăng doanh thu lên 2 lần nhờ gia tăng chất lượng dịch vụ, tập trung bán hàng.
Hiện tại, Boxme đang có 2 trung tâm tại Hà Nội và 3 trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích 9.000 m2.
Mặc dù có ưu điểm vượt trội so với loại hình chuyển phát truyền thống, song ông Nguyễn Thành Hưng cũng không thể phủ nhận rằng khi các dịch vụ hoàn tất đơn hàng phát triển sẽ mang đến một số rủi ro.
Chẳng hạn như doanh nghiệp TMĐT sẽ không tiếp cận trực tiếp tới khách hàng cuối cùng. Chính điều này dễ bị đánh mất uy tín do lỗi của đơn vị hoàn tất đơn hàng. Một số rủi ro liên quan tới tranh chấp giữa người bán với đơn vị hoàn tất đơn hàng trong các trường hợp hàng giao nhận bị hư hỏng, mất mát, hàng giả sẽ diễn ra.
Khó khăn nhất chính là doanh nghiệp chuyển phát muốn chuyển sang hoàn tất hợp đồng phải tự đầu tư phần mềm hoàn tất hợp đồng tốt, uy tín đủ lớn để hàng chục doanh nghiệp liên quan đồng ý kết nối. Tuy vậy, theo ông Hưng, những khó khăn trên không đáng kể so với những điểm có lợi của việc phát triển hoàn tất hợp đồng.
“Kinh doanh bước sang giai đoạn mới, khách hàng hiện đại hơn, nhu cầu cũng khác xưa rất nhiều. Vì thế, dịch vụ chuyển phát nhanh hơn nữa, tốt hơn nữa vẫn chưa đủ mà phải chuyển sang giai đoạn hoàn tất đơn hàng. Hi vọng, đến năm 2020, sẽ có 22% doanh nghiệp tự chuyển phát còn lại các doanh nghiệp sẽ thuê bên ngoài”, ông Hưng nhấn mạnh.
                                                                                                                                                                                        Nguồn từ "cafebiz"


Chia sẻ: